Nếu bạn yêu thích truyện ngắn mang chút âm hưởng của giọng điệu châm biếm, hài hước, đầy sự thông thái, xin mời đọc “Điệu waltz”, được viết bởi Dorothy Parker, bà hoàng truyện châm biếm những năm 1930.
Sao cơ, Cảm ơn anh nhiều. Tôi rất hân hạnh.
Tôi không muốn nhảy với anh ta. Tôi chẳng muốn nhảy với ai cả. Và thậm chí nếu tôi muốn, thì tôi chẳng chọn anh ta làm bạn nhảy. Tôi đã xem cách anh ta nhảy rồi; nó giống hệt như cái kiểu nhảy ở đêm hội thánh Walpurgis. Thử nghĩ mà xem, không đầy mười lăm phút trước, tôi đang ngồi đây, cảm thấy tội nghiệp cho cô gái nhảy cùng anh ta quá chừng. Thế mà giờ đây tôi sẽ là cô gái tội nghiệp đó. Vậy đó, vậy đó. Thế giới quả là nhỏ bé nhỉ?
Và, cũng thú vị ra phết, nữa chứ. Quả là cái thế giới nhỏ bé lắm đỗi ngạc nhiên. Sự xoay vần không đoán trước được của nó có sức lôi cuốn, đúng không nhỉ? Giờ tôi ngồi đây, đuổi theo suy nghĩ của mình, không đụng chạm tí ti gì đến bất kỳ một linh hồn sống nào. Và khi anh chàng bước vào cuộc đời tôi, với tất cả nụ cười và phong thái thành thị, thỉnh cầu tôi nhảy điệu vũ Polka đáng nhớ này. Có lẽ nào, anh ta thậm chí chẳng biết tên tôi, chứ đừng nói đến nghĩa của nó. Nó có nghĩa là Thất vọng, Hoang mang, Phù phiếm, Thoái hóa, và Kẻ giết người có chủ tâm, nhưng anh ta chả biết đâu. Tôi cũng chẳng biết tên anh ta; tôi không biết nghĩa nó là gì. Jukes, tôi đoán thế khi nhìn vào mắt anh ta. Rất hân hạnh được làm quen với anh , anh Jukes? Và em trai bé nhỏ đáng yêu của anh thế nào, với hai cái đầu?
Ái chà, thế tại sao anh ta phải luẩn quẩn quanh tôi, với lời đề nghị khiêm nhường? Sao anh ta lại không để tôi yên? Tôi chỉ thắc mắc có vậy – khi ngồi thu lu một mình trong góc bàn nhỏ yên tĩnh, để cả buổi tối suy nghĩ ủ ê tất cả mọi nỗi rầu của mình. Và anh ta tiến tới, cúi đầu, lúng túng với câu tôi-có thể-mời-cô-điệu-này. Và tôi phải đứng lên và bảo với anh chàng rằng tôi rất hân hạnh được nhảy cùng anh. Tôi không tài nào hiểu nổi là tại sao tôi không đứng chết lặng cho rồi. Phải, nhưng đứng chết lặng thì chán như một ngày ở thôn quê, so với việc phải cố nhảy với cậu bé này. Nhưng tôi có thể làm gì đây? Mọi người cùng bàn đã đứng lên nhảy hết rồi, chỉ trừ tôi với anh ta. Thế đấy, tôi đã bị mắc kẹt. Mắc kẹt như một cái bẫy trong một cái bẫy.
Bạn có thể nói gì nào, khi một người đàn ông mời bạn nhảy? Tôi chắc sẽ không nhảy với anh, anh biến đi cho tôi nhờ. Sao cơ, cảm ơn, tôi cũng muốn nhảy lắm, nhưng mà tôi đang lên cơn đau đẻ. Ồ vâng, chúng ta hãy cùng nhảy điệu này – thật vui khi gặp một người đàn ông không phải là con mèo nhút nhát sợ lây bệnh tê phù của mình. Không. Mình chẳng biết phải nói câu gì, ngoài câu rất vui khi được anh mời. Thế rồi, có thể anh chàng và tôi phối hợp nhịp nhàng. Thôi được, đạn thần công, hãy bắt đầu khai hỏa. Anh đoán đúng mặt ngửa; anh có thể dẫn nhịp.
Sao cơ, tôi nghĩ điệu này có vẻ là điệu waltz hơn. Có đúng thế không nhỉ? Chúng ta có thể nghe nhạc vài giây. Chúng ta nghe chứ? Ồ, vâng, đúng là điệu waltz rồi. Nhớ không? Sao cơ, đơn giản là tôi thấy thích. Tôi rất muốn nhảy điệu waltz với anh.
Tôi thích nhảy điệu waltz với anh. Tôi thích nhảy điệu waltz với anh. Tôi muốn cắt cái amidan của mình đi, tôi thích đốt lửa trại bên bờ biển lúc nưa đêm. Thôi, giờ quá muộn rồi. Chúng tôi đã bắt đầu nhảy. Ôi. Ôi, trời ơi. Ôi, trời ơi là trời ơi. Trời đất ơi, thế này tồi tệ hơn tôi tưởng. Tôi cho đó là quy luật muôn thuở của cuộc đời – mọi thứ luôn tồi hơn bạn tưởng tượng nó sẽ như thế. Ôi, giá mà tôi biết cơ sự của cái việc nhảy nhót nó như thế này, thì tôi thà cứ ngồi im một chỗ cho xong. Thế đấy, nó có thể sẽ tồi như thế cho đến khi điệu nhạc kết thúc. Nếu anh chàng cứ nhảy như thế, thì khoảng một phút nữa thôi là cả hai sẽ dừng ngay trên sàn.
Tôi rất mừng là đã nhắc nhở anh chàng là họ đang chơi điệu waltz. Trời mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra, nếu anh chàng nghĩ đây là điệu nhảy nhanh; không thì mỗi đứa mỗi phía bay ra khỏi tòa nhà, tại sao anh ta lại muốn tới chỗ mà anh ta không hợp? Tại sao chúng ta không thể ở yên một chỗ cho đến khi chúng ta thích nghi đươc?
Cái này là cái điệu vội vàng, lúc nào cũng vội vàng, vội vàng, đó là lời nguyền khi sống cuộc sống của nguời Mỹ.
Đó là lý do mà tất cả chúng ta đều hứng chịu – Ối! Trời đất ơi, đừng có đã chân, đồ ngốc; lúc này mới chậm lại được chút xíu. Ôi, cái ống chân của tôi. Cái ống chân tội nghiệp của tôi, từ bé tới giờ tôi mới bị đá vào ống chân!
Ôi, không, không, Chúa ơi, không. Nó không đau một tẹo nào. Lỗi tại tôi mà. Thực sự là lỗi tại tôi. Thật thế mà. Chà, anh dễ thương quá, khi nói thế. Thật sự lỗi tại tôi mà.
Tôi băn khoăn nên làm gì đây — giết anh ta ngay lúc này, với hai bàn tay không, hay là đợi cho anh ta rơi vào thế gậy ông đập lưng ông. Có khi tốt nhất là không làm gì. Tôi đoán là mình nên ẩn nấp và chờ đến lúc anh ta chết. Anh ta đâu có thể mãi như thế này được — anh ta chỉ là máu và thịt thôi. Anh ta phải chết, và anh ta sẽ chết, vì những gì anh ta đã gây ra cho tôi. Tôi không muốn mình trở thành kiểu người quá nhạy cảm, nhưng bạn không thể bảo với tôi rằng cú đá đó là không định trước. Freud nói là chẳng có tai nạn nào cả. Tôi chưa từng sống đời tu hành, tôi biết một số bạn nhảy làm hỏng giầy hay làm rách váy của mình; nhưng chuyện bị đá vào chân, thì tôi là một ĐÀN BÀ KHÔNG VỪA đấy. Nhỡ có đá vào ống chân tôi, thì cười lên.
Có thể anh ta không ác tâm làm việc đó. Có lẽ đó chỉ là cách anh ta bày tỏ sự hưng phấn của mình. Tôi cho rằng là mình phải vui mới phải vì một trong hai đứa đang có những giây phút vui vẻ. Tôi cho rằng mình phải nghĩ mình may mắn nếu anh ta đưa mình còn sống trở về. Có lẽ sẽ là ngụy biện nếu yêu cầu một người hoàn toàn không quen biết rằng anh ta phải bỏ qua cái ống chân của bạn khi anh ta đã tìm thấy chúng. Sau chót, cậu chàng tội nghiệp đã làm tốt nhất có thể. Có lẽ cậu ta lớn lên ở vùng thôn quê đồi núi, và chưa bao giờ gặp một người nào thông minh cả. Tôi cá là người ta phải bắt anh ta nằm sấp xuống để đi giầy cho anh ta.
Chà, thật là điệu nhảy tuyệt vời , đúng không nhỉ? Thật tuyệt vời. Điệu waltz tuyệt vời nhất. Anh có nghĩ thế không? Vâng, tôi nghĩ nó thật tuyệt.
Sao thế nhỉ, mình đang bị cầu thủ đa năng hút vào thì phải. Anh ta là người hùng của mình. Anh ta có trái tim của một con sư tử, và có sức lực của một con trâu. Nhìn anh ta kìa – không bao giờ nghĩ tới hậu quả, không bao giờ sợ chính mình, lao mình vào một cuộc ẩu đả, mắt sáng lên, hai má nóng phừng phừng. Liệu có nên nói là tôi dừng ở đây? Không, một ngàn lần không. Thế mình sẽ ra sao nếu một vài năm nữa vẫn bị bó thạch cao? Thôi nào, Butch, cố lên nào! Ai là người muốn sống đời đời?
Ôi. Ôi, trời ơi. Ôi, anh không sao, cảm ơn trời đất. Có lúc mình tưởng người ta đã đưa anh ra khỏi sân. Ái chà, mình không chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến với anh. Mình yêu anh. Mình yêu anh hơn bất cứ ai trên cõi đời này. Hãy xem tinh thần anh ấy thổi vào một điệu waltz ảm đạm, tầm thường; những bạn nhảy khác có vẻ kiệt sức như thế nào, khi nhảy cạnh anh. Anh là tuổi trẻ là vinh quang là lòng dũng cảm, anh là sức mạnh là sự tươi vui là — Ối! Nhấc khỏi mu bàn chân tôi, đồ nông dân vụng về! Anh nghĩ tôi là ai thế, là gì nào – một cái ván cầu ư? Ối!
Không, tất nhiên là không đau. Sao cơ, tôi không đau đâu. Tôi nói thật đấy. Tất cả là lỗi tại tôi. Anh thấy đấy, bước nhảy của anh — chà, thật tuyệt vời, nhưng lúc đầu hơi khó khi theo nó. Ồ, anh tự luyện một mình à? Thật thế sao? Chà , anh giỏi thật đấy! Ồ, giờ tôi nghĩ là tôi đã hiểu ra. Ồ, tôi nghĩ bức nhảy thật tuyệt. Tôi đã ngắm anh nhảy lúc trước rồi. Thật sự rất ấn tượng khi xem anh biểu diễn.
Thật sự rất ấn tượng khi xem anh nhảy điệu đó. Tôi cá là mình rất ấn tượng khi ai đó nhìn mình ngay bây giờ. Tóc tai thì rủ xuống hai bên má, váy thì xoắn lấy thân tôi, tôi có thể cảm nhận được cái trán túa mồ hôi của mình. Trông tôi chắc giống như kiểu vừa bước ra khỏi truyện ” Ngôi nhà Usher bị sụp”. Những chuyện kiểu này đàn bà ở tuổi tôi quá hiểu. Anh ta tự mình chế ra bước nhảy này, với cái thủ thuật đồi trụy. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ là trò tiểu xảo chút xíu, giờ thì tôi đã hiểu. Hai cái vấp chân, trượt chân, và cả cú văng gần hai mươi mét; đúng rồi. Giờ tôi đã nhận ra. Tôi cũng hiểu một vài thứ khác, nữa, gồm cả cái chuyện gãy ống chân và một trái tim cay đắng. Sao mà tôi ghét cái sinh vật mà tôi bị dính vào thế này. Tôi ghét hắn ngay từ cái lúc nhìn thấy bộ mặt gian gian, dâm đãng của hắn. Và giờ đây tôi đã bị trói trong cái điệu waltz độc hại kéo dài ba mươi lăm năm của hắn. Có lẽ nào dàn hợp xướng cứ chơi mãi thế? Hay là cái trò nhảy nhót tục tĩu này phải kéo dài cho đến khi địa ngục cháy tàn?
Ồ, họ sẽ chơi thêm một lần nữa. Ồ , tuyệt thật. Thật tuyệt vời. Anh có mệt không? Tôi chẳng mệt tẹo nào cả. Tôi chỉ muốn nhảy mãi thôi.
Tôi chẳng mệt tẹo nào cả. Mình tiêu rồi, hoàn toàn tiêu. Tiêu tùng, và vì cái lý do đó! Dàn nhạc sẽ chẳng bao giờ ngừng chơi, sau đó cả hai sẽ tiếp tục như thế này. Hai – Lần Charlie và Tôi, xuyên suốt cái vô tận. Mình nghĩ là mình cũng chẳng quan tâm nữa, sau một trăm nghìn năm đầu tiên. Mình cho là giờ chẳng có gì quan trọng nữa, không đam mê cũng chẳng đau đớn không tan nát trái tim hay tinh thần mệt mỏi, phũ phàng. Vậy đó, mình quá quen với những thứ đó rồi.
Tôi cứ băn khoăn mãi sao tôi không bảo luôn với anh ta là tôi mệt. Tôi thắc mắc là tại sao không gợi ý đi về bàn ngồi. Tôi lẽ ra có thể nói chỉ cần nghe nhạc là đủ. Vâng, đúng thế, còn nếu anh ta nhiệt tình, thì anh ta chỉ nên làm thế cả buổi tối thôi cũng được. George Jean Nathan nói là nhịp waltz tuyệt vời đầu tiên chỉ nên nghe trong yên lặng chứ không cần phải minh họa bằng mấy cái thân người nhảy nhót xoay tròn đến là kỳ cục. Tôi nghĩ đó là những gì ông ấy nói. Chính George Jean Nathan nói. Dù ông ta có nói gì, có là gì và làm gì đi chăng nữa, ông ta cũng phong lưu hơn tôi. Thế là thận trọng. Bất cứ ai không nhảy điệu waltz với con bò của bà O’Leary mà tôi đang nhảy cùng đây đều vui vẻ cả.
Thế giả sử mà chúng tôi có ngồi xuống bàn, thì có lẽ tôi vẫn phải nói chuyện với anh ta. Nhìn anh ta kìa – bạn có thể nói gì với cái thứ như vậy! Anh có đi xem xiếc lần nào trong năm nay, anh thích ăn kem gì nhất, anh đánh vần con mèo thế nào? Tôi đoán là tôi cũng tắc lự ở đây. Tắc lự như thể tôi bị xoay vòng trong hỗn hợp xi măng.
Giờ tôi chẳng cảm thấy gì nữa. Thứ duy nhất mà tôi có thể nhận biết được khi anh ta dẫm chân lên tôi là tôi có thể nghe thấy xương mình vỡ ra từng mảnh. Và tất cả những sự kiện tôi đã trải qua trong đời đang diễn ra trước mắt. Có thời điểm tôi đang chịu bão ở Tây Ấn, cái ngày mà tôi bị vỡ đầu khi taxi va vào nhau, buổi tối mà một bà say rượu định ném cái gạt tàn bằng đồng vào tình yêu của bà nhưng mà nạn nhân là tôi, cái mùa hè mà chiếc thuyền buồm lật nhào sang một bên. Chà, quả là khoảng thời gian yên bình, phẳng lặng đó, cho đến khi tôi ngã vào vòng tay của gã Vội Vàng, ở đây. Tôi chưa từng biết rắc rối là gì, cho đến khi tôi bị cuốn vào điệu nhảy bên mộ này. Tôi nghĩ đầu óc mình lại bắt đầu miên man rồi. Tôi nghe như dàn nhạc đang chơi nốt cuối. Không thể nào, tất nhiên là không; không thể nào, không bao giờ. Nhưng rồi chỉ có trong tai tôi sự yên lặng nghe như âm thanh của các thiên thần…
Ôi, họ đã ngừng chơi rồi, mấy người chán quá. Họ sẽ không chơi tiếp nữa. Ôi, chán ghê. Anh có nghĩ họ dừng lại hẳn? Anh thật sự nghĩ vậy sao, nếu anh cho họ hai mươi đồng? Ôi, thế sẽ tuyệt đấy. Này, hãy bảo họ chơi điệu trước nhé. Tôi chỉ thích nhảy điệu Waltz thôi.
Đọc bản tiếng Anh tại đây :https://lingualeo.com/es/jungle/the-waltz-by-dorothy-parker-341571