Người kỹ nữ xinh đẹp của thành Yedo

Đây là câu chuyện về Sakura-ko, bông hoa anh đào, là người kỹ nữ xinh đẹp của thành Yedo. Nàng là một geisha, sinh ra là con gái một người samurai, phải bán mình vào cảnh câu thúc sau khi cha nàng qua đời, để mẹ nàng có thể có miếng ăn. Thật đáng thương làm sao! Số tiền đã mua nàng được gọi là Namida no Kane, nghĩa là ” đồng tiền nước mắt”

Nàng ngụ ở con phố geisha chật hẹp, nơi những chiếc đèn lồng đỏ và trắng đu đưa và những cây mận mọc sum suê bên bờ sông cạn. Con phố geisha tràn đầy tiếng nhạc, bởi các nàng geisha chơi đàn samisen ở đó suốt cả ngày.

Sakura-ko cũng chơi đàn samisen; quả thực nàng là người con gái tài giỏi trong mọi loại hình nghệ thuật thú vị. Nàng chơi đàn samisen, đàn kotto, đàn biwa, và trống cầm tay nhỏ. Nàng có thể viết các bài hát và hát chúng. Đôi mắt nàng dài, tóc nàng đen nhánh, đôi bàn tay nàng trắng muốt. Sắc đẹp của nàng khó có ai bì kịp, và nàng chiều lòng tất cả mọi người bằng khả năng hiếm có của mình. Từ sáng tới chiều, và từ chiều tới sáng nàng có thể đi lại mỉm cười và che giấu trái tim mình. Vào những lúc vắng khách nàng đứng tựa nơi hành lang nhà mamasan, và đăm chiêu nhìn xuống con phố geisha. Và khách đi ngang qua kháo nhau, “Nhìn kìa, Sakura-ko đứng kia kìa, bông hoa anh đào, người kỹ nữ xinh đẹp của thành Yedo, nàng geisha chưa có người bảo trợ.”

nàng geisha luôn mỉm cười - tranh cổ Nhật Bản
nàng geisha luôn mỉm cười tranh cổ Nhật Bản

Nhưng Sakura nhìn xuống trầm ngâm nói, “Con phố chật hẹp của các nàng geisha, lát đầy những cay đắng tủi hờn và những trái tim tan vỡ, những ngôi nhà của các nàng toàn những hy vọng hão huyền và những luyến tiếc phũ phàng; tuổi trẻ và tình yêu và nỗi tủi nhục chan chứa ở đây. Những bông hoa trong vườn của các nàng được tưới bằng nước mắt.”

geisha với ánh mắt buồn
Đáng thương thay thân phận nàng geisha!

Những quý ông thành Yedo có nhu cầu vui thú của họ, vì vậy Sakura-ko phục vụ tại các bữa tiệc hàng tối. Họ bôi phấn trắng lên má và trán nàng, và bôi đỏ môi nàng với beni. Nàng mặc những bộ kimono bằng lụa, vàng, tím, xám, xanh và đen, obi bằng gấm thêu kim tuyến buộc lộng lẫy. Tóc nàng được ghim trâm ngọc và san hô, cài những chiếc lược bằng gỗ sơn mài và vỏ rùa màu vàng. Nàng rót rượu sake, nàng tươi cười với khách. Và còn hơn thế nữa, nàng múa.

 geisha múa
Nàng geisha mảnh mai múa tựa cánh hạc bay

Ba nhà thơ nói về điệu múa của nàng. Một người nói, “Nàng nhẹ nhàng hơn cả chuồn chuồn bảy màu cầu vồng”

Một người khác nói, “Nàng di chuyển như thể sương mai khi mặt trời tỏa nắng.”

Và người thứ ba nói, “Nàng như thể bóng mát nơi con sông có hàng liễu rủ.”

Nhưng đã đến lúc phải nói về ba người yêu nàng.

Người ham muốn nàng đầu tiên không già cũng không trẻ. Ông ta là một người vì may mắn mà giàu có, và là một người có vai vế ở Yedo. Ông ta cử người hầu tới phố geisha với tiền trong thắt lưng. Sakura-ko đóng sầm cửa trước mặt anh hầu.

“Cậu nhầm rồi”, nàng nói, “cậu đã đi nhầm đường. Đáng lẽ cậu phải đến phố người ta bán đồ chơi và mua cho chủ của cậu một con búp bê; nói với chủ của cậu là không có búp bê ở đây.”

Sau đó đích thân người chủ kia tới. “Lại đây với ta nào, Ôi bông hoa anh đào,” ông ta nói, “vì ta phải có được nàng.”

“Phải ư?” nàng nói, và nhìn xuống bằng đôi mắt dài của mình.

“Phải”, ông ta nói, “Phải mới đứng là từ, Ôi bông hoa anh đào.”

“Ông sẽ cho em những gì?” nàng nói.

“Trang phục đẹp nhất, lụa, và gấm thêu, một ngôi nhà, những tấm thảm trắng và những căn phòng mát mẻ; người hầu chờ em sai khiến, trâm cài tóc bằng vàng – những gì em muốn.”

“Thế em mang lại cho ông thứ gì?” nàng nói.

“Chỉ cần em thôi, Ôi bông hoa anh đào.”

“Thân xác và tâm hồn?” nàng nói.

Và ông ta trả lời “Thân xác và tâm hồn” “Thế thì, tạm biệt ông,” nàng nói, “Em vẫn muốn làm geisha. Cuộc sống ấy thật vui vẻ.” nàng nói, và bật cười.

Và thế là kết thúc với người ham muốn nàng đầu tiên.

Người ham muốn nàng thứ hai đã lớn tuổi. Lớn tuổi và thông thái thì rất tốt, đằng này thì ông ta vừa già lại vừa ngu dốt. “Sakura-ko,” ông ta thốt lên, “ah, em thật độc ác, ta phát điên lên vì muốn em!”

“Thưa ngài,” nàng nói, “Em có thể dễ dàng tin điều này.”

“Ta chưa đến nỗi già lắm đâu.”

“Nếu các thần linh có thương xót”, nàng bảo ông ta, “Ông vẫn còn đủ thời gian để chuẩn bị cho hồi kết của mình. Hãy về nhà và đọc kinh tốt lành.” Nhưng ông khách chẳng màng nghe những lời khuyên của nàng. Thay vì đó, ông ta trả tiền để mời nàng về nhà của mình vào buổi tối để dự bữa đại tiệc mà ông ta đã chuẩn bị trước dành cho nàng. Và khi mọi người đã thưởng thức bữa tiệc xong, nàng múa trước mặt ông ta trong bộ hakama màu đỏ tươi và áo choàng bằng gấm thêu kim tuyến. Sau màn múa ông ta ép nàng ngồi cạnh mình và gọi thêm rượu, để họ cùng uống với nhau. Và nàng geisha, người rót rượu sake được gọi là Làn Sóng Bạc.

Khi họ đã uống cùng nhau được một hồi, ông ta kéo nàng về phía người mình và thốt lên:

“Lại đây nào, tình yêu của ta, nàng dâu của ta, nàng là của ta trong suốt nhiều kiếp; có thuốc độc trong ly rượu. Đừng sợ, vì chúng ta sẽ chết cùng nhau. Hãy cùng ta đi tới Meido.”

Nhưng Sakura-ko nói, “Em gái ta, Làn Sóng Bạc, và ta đâu phải là trẻ con, không ai trong số chúng ta vừa già vừa ngu để bị lừa gạt cả. Ta đâu có uống sake và chẳng có thuốc độc nào cả. Làn Sóng Bạc, đã rót trà tươi vào cốc của ta. Ta thấy ông thật đáng thương làm sao, vì vậy ta sẽ ở lại cùng ông cho đến khi ông sang thế giới bên kia.”

Ông ta chết trên cánh tay nàng và đành lòng đi một mình tới Meido.

“Ôi chao! Ôi chao!” Bông hoa anh đào thổn thức. Nhưng người em gái, Làn Sóng Bạc, an ủi nàng ” Đừng khóc nữa chị, chị có lẽ sẽ phải khóc vào dịp khác. Đừng thương tiếc làm gì một kẻ như lão ta.”

Vậy đấy, cái kết của người thứ hai ham muốn nàng.

Người yêu nàng thứ ba là một chàng trai trẻ, dũng cảm và có tình tình vui vẻ. Chàng là người mạnh mẽ, và điển trai. Lần đầu chàng nhìn thấy bông hoa anh đào là vào buổi tiệc liên hoan ở nhà của cha chàng. Sau đó chàng đi tìm nàng ở phố geisha. Lúc chàng tìm thấy nàng là lúc nàng đứng tựa vào tay vịn hành lang nhà mamasan.

samurai cưỡi ngựa
có lẽ chàng dũng cảm như một samurai và có trái tim si tình chăng?

Nàng nhìn xuống con phố geisha và cất lời hát : Mẹ ta bắt ta dệt những sợi chỉ đẹp bằng những hạt cát biển màu vàng — Một việc làm gian nan, thật gian nan. Xin thần linh phù hộ cho ta hoàn thành! Cha ta đưa ta một giỏ làm bằng sậy; Ông nói, Hãy xách giỏ lên suối cách một dặm lấy nước về đây – Một việc gian nan, thật gian nan. Xin thần linh phù hộ cho ta hoàn thành! Trái tim ta sẽ nhớ, trái tim ta phải quyên; Hãy quên đi, trái tim hỡi, hãy quên – một việc gian nan, thật gian nan. Xin thần linh phù hộ cho ta hoàn thành!.”

Khi nàng vừa dứt lời hát, người mến mộ nàng nhìn thấy mắt nàng đẫm lệ.

“Nàng còn nhớ ta không?”, chàng nói, “Hỡi bông hoa anh đào? Ta thấy nàng tối qua tại nhà cha ta.”

“Có thưa công tử,” nàng đáp lại lời chàng, “Ta ghi nhớ chàng rất kỹ.”

Chàng nói, “Ta cũng không quá trẻ. Và ta yêu nàng, Hỡi bông hoa anh đào. Hãy bình tình, nghe ta nói, hãy giải thoát mình, làm vợ yêu quí của ta.”

Nghe chàng nói những lời như vậy nàng đỏ bừng cổ, cằm và má, và cả trán nữa.

“Người yêu ơi”, chàng trai trẻ nói, “giờ nàng thực sự là bông hoa anh đào đỏ.”

“Chàng trai trẻ,” nàng nói, “Hãy về nhà và đừng nghĩ gì tới ta nữa. Ta đã quá lớn tuổi so với chàng.”

“Lớn tuổi!” chàng nói, “sao kia, khác biệt giữa chúng ta còn chưa đầy một năm!”

“Không, không là một năm – không tính bằng năm, mà là vĩnh cửu,” bông hoa anh đào nói. “Đừng nghĩ gì tới ta nữa,” nàng nói; nhưng chàng trai si tình chẳng thiết nghĩ gì khác ngoài nàng. Máu trong chàng đang bừng cháy. Chàng không thể ăn, không thể uống, cũng không thể ngủ. Chàng sống trong dày vò; chàng yếu dần, yếu dần. Một đêm nọ chàng ngã xuống ngất xỉu nơi lối vào phố geisha. Sakura-ko trở về nhà lúc rạng sáng từ một buổi tiệc tại nhà một khách hàng lớn. Nàng nhận ra chàng nằm đó. Nàng không nói một lời, nhưng nàng gọi xe kéo chở chàng về đến nhà bên ngoài thành Yedo, và lưu lại đó với chàng tròn ba trăng. Và chàng được chăm sóc hồi phục lại sức khỏe. Rất nhanh, thật nhanh, những ngày tháng hạnh phúc trôi qua với cả hai người họ.

“Đây là thời gian hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời em. Cảm tạ thần linh đã phù hộ,” một buổi tối bông hoa anh đào nói.

“Em yêu”, chàng trai trẻ nói với nàng, “hãy lấy cây đàn samisen của em và hãy hát cho ta nghe nào.”

Sakura-ko lấy cây đàn samisen, và nói với người yêu của mình, “Em sẽ hát chàng nghe bài mà chàng đã từng nghe.” “Mẹ ta bắt ta dệt những sợi chỉ đẹp bằng những hạt cát biển màu vàng — Một việc làm gian nan, thật gian nan. Xin thần linh phù hộ cho ta hoàn thành! Cha ta đưa ta một giỏ làm bằng sậy; Ông nói, Hãy xách giỏ lên suối cách một dặm lấy nước về đây – Một việc gian nan, thật gian nan. Xin thần linh phù hộ cho ta hoàn thành! Trái tim ta sẽ nhớ, trái tim ta phải quyên; Hãy quên đi, trái tim hỡi, hãy quên – một việc gian nan, thật gian nan. Xin thần linh phù hộ cho ta hoàn thành!.”

“Giọng hát của em thật tuyệt,” chàng nói, “Bài hát này có nghĩa là gì thế, và tại sao em lại hát nó?”

Nàng trả lời, “Thưa công tử, nó có nghĩa rằng em phải rời xa chàng, và vì vậy mà em hát bài hát này. Em phải quyên chàng đi; và chàng cũng phải quyên em đi. Đó là ước nguyện của em.”

Chàng nói, “Ta sẽ không bao giờ quên được em, một ngàn kiếp cũng không thể nào quên.”

Nàng mỉm cười đáp lại, “Cầu xin thần linh phù hộ cho chàng lấy được người vợ hiền dịu và sinh những đứa con khỏe mạnh.”

Chàng nói, “Không có người vợ nào ngoài em, và cũng chẳng có đứa con nào ngoài con của em, Ôi bông hoa anh đào.”

“Lậy trời đừng có chuyện đó, người yêu dấu ơi, người yêu dấu ơi. Thế gian này ngăn rẽ chúng ta.”

Ngày hôm sau nàng ra đi. Khắp mọi nơi, từ núi cao đến vực sâu, từ nơi rất xa cũng như nơi rất gần, người yêu nàng khóc than, thương xót, đi tìm nàng. Nhưng tất cả đều vô vọng, vì chàng chẳng thể nào tìm được nàng. Thành Yedo cũng không còn nghe tin tức về bông hoa anh đào – Sakura-ko, người kỹ nữ xinh đẹp nữa.

Và người yêu nàng khóc thương nàng rất nhiều ngày. Tuy nhiên cuối cùng chàng cũng có được nguồn an ủi, và họ tìm cho chàng một tiểu thư xinh đẹp dịu hiền mà chàng đồng ý lấy làm vợ, và sau đó không lâu vợ chàng sinh cho chàng một cậu con trai. Và chàng hạnh phúc, vì thời gian làm cạn khô nước mắt.

Lúc này khi cậu bé đã tròn năm tuổi, một lần cậu ngồi trước cổng nhà cha cậu và có một nữ tu tình cờ đi ngang qua xin bố thí. Người hầu trong nhà mang cơm đến định sớt vào chén khất thực của nữ tu, nhưng đứa trẻ nói, ” Để ta sớt cơm cho.”

Và khi cậu bé vừa cầm chén cơm và sớt đầy vào chén khất thực của nữ tu bằng một cái thìa gỗ vừa bật cười, nữ tu nắm lấy tay áo cậu bé và nhìn sâu vào bên trong mắt cậu.

“Bà sư, sao bà nhìn con vậy?” đứa trẻ kêu lên.

Nữ tu nói, “Bởi vì ta đã từng có một cậu con trai như con, và ta phải trao con trai ta cho người khác và ra đi.”

“Thật tội nghiệp cho cậu bé!” đứa trẻ nói.

“Như thế tốt hơn cho cậu bé; con yêu quí của ta, con yêu quí của ta — tốt hơn nhiều, rất nhiều.”

Và vừa dứt lời, nữ tu cất bước bỏ đi.

Mời đọc truyện bằng tiếng Anh tại đây : http://www.gutenberg.org/files/35853/35853-h/35853-h.htm#BEAUTIFUL_DANCER

Mời đọc truyện văn học Nhật Bản tại đây : http://truyenjimmy.com/2020/08/chuyen-tinh-duoi-anh-den-long-mau-don.html

Điệu múa tuyết rơi do diễn viên Chương Tử Di thực hiện trong phim ” Hồi ký một geisha”

5 replies to “Người kỹ nữ xinh đẹp của thành Yedo”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *