Cleopatra và Marc Antony, cuộc tình giữa một nữ hoàng của Ai Cập giàu có với một vị tướng quân La Mã đại danh, từ hơn hai ngàn năm trước, bắt đầu và kết thúc thế nào mà vẫn còn được lưu truyền đến tận thế kỷ này?
Đó là một buổi chiều mùa hè năm 42 trước công nguyên, tiết trời dịu mát, gió nhẹ phảng phất, nắng dần nhạt phai. Và nữ hoàng tuyệt đẹp của Ai Cập, Cleopatra bỗng nảy ý muốn dạo chơi trên sông Nile trên một chiếc thuyền mui cong hình trăng non dát vàng lộng lẫy. Cleopatra đầy quyền uy lúc này ở độ tuổi 28, sự tự tin, trí thông minh và sắc đẹp của một người đàn bà trưởng thành khiến bất cứ vị quân vương nào đối diện nàng đều phải tỏ ra e dè. Trên chiếc thuyền cong duyên dáng nhỏ nhắn, dưới bức màn trướng được dệt bằng những sợi chỉ vàng, Ceopatra trong chiếc váy dài như nữ thần Venus, nằm thư giãn trên một chiếc ghế dài bọc lụa màu trắng, đôi mắt mơ màng, xung quanh nàng là những chàng trai trẻ đang cầm mái chèo, chèo con thuyền trong nhịp thong thả, đều đặn. Những cô hầu xinh đẹp nhất của nữ vương trong phục trang như những nàng tiên của biển cả, người thổi sáo, người đánh đàn. Những mùi hương kỳ diệu từ những bình nhang trầm dâng cúng thánh thần lan tỏa khắp hai bên bờ sông.
Thưa nữ vương, có tướng quân La Mã, Marc Antony muốn gặp nữ vương.
Cleopatra choàng tỉnh, nàng ngồi bật dậy, vuốt thẳng lại vạt áo váy. Lớp vải tơ trắng mỏng như chỉ để tô điểm cho nét đầy đặn, hấp dẫn của thân thể nàng. Chiếc thắt lưng to bản tạo điểm nhấn nơi bờ hông cong đầy nữ tính. Mái tóc dày đen của nàng được buông lơi, trên đỉnh đầu nàng đeo một vương miện vàng nhỏ có tượng rắn trang trí phía trước, biểu tượng danh giá của người quyền uy. Cleopatra biết Marc Antony từ mười năm vừa trước, khi nàng còn là người tình trẻ non nớt của hoàng đế Ceasar.
Hãy báo cho tướng quân biết là ta đang nóng lòng muốn gặp ông ấy. Cleopatra vui vẻ ra lệnh.
Thưa vâng nữ vương. Nói rồi, chàng hầu trẻ lực lưỡng chèo một chiếc thuyền khác tiến về hướng thuyền của Marc Antony.
Mươi phút sau, thuyền của Marc Antony áp sát thuyền của Cleopatra, và Marc Antony oai vệ bước sang. Đứng trước mặt nữ vương Ai Cập lúc này là một người đàn ông có đôi vai rộng, chiếc cổ to, chắc khỏe như thể của một con bò, đẹp trai khác thường, mái tóc xoăn dày, mũi khoằm điển hình của người La Mã. Một vẻ đẹp sánh ngang với thần Hercules. Là người hoạt náo, vui vẻ, giàu cảm xúc, đầy dục vọng, Marc Antony là tướng từng được hoàng đế Ceasar trọng vọng.
Giây phút vị tướng quân La Mã ấy trông thấy nữ vương Ai Cập, ngài chếnh choáng và lóng ngóng như một chàng trai trẻ. Bao kinh nghiệm chiến trường, tình trường dường như bay biến hết.
Nữ vương Cleopatra, Marc Antony ta xin được bái kiến. Vị tướng quân ngượng ngịu nói.
Marc Antony, thật vinh hạnh. Rất vui được gặp ngài. Xin mời ngồi. Cleopatra cố dằn những cảm xúc choáng ngợp trước vẻ uy dũng của người đứng đối diện, đưa tay chỉ một chiếc ghế bọc nhung đỏ gần chiếc ghế nằm của nàng.
Lý do gì khiến tướng quân phải đích thân sang Ai Cập. Rome muốn gì ở vương quốc của ta?
Rome sẽ bảo vệ Ai Cập và mong muốn quyền uy của nữ vương được mở rộng. Quyền trị vì của con trai nữ vương, Ceasarion sẽ được đảm bảo.
Bù lại Ai Cập sẽ cống nạp gì cho Rome?
Ai Cập sẽ tài trợ cho quân La Mã ở phương Đông. Marc Antony thẳng thừng nói.
Và tướng quân sẽ ở lại Ai Cập bao lâu? Cleopatra nói, đưa ánh mắt lả lơi nhìn Antony.
Sẽ lâu như nữ vương mong muốn. Antony trả lời người đàn bà tuyệt đẹp đối diện mà tưởng đâu đã ngã gục trong ánh mắt, bờ môi nhục cảm đó.
Tối hôm đó và nhiều đêm sau đó, Cleopatra và Marc Antony say đắm trong men say của tình và những bữa tiệc đế vương xa hoa, không màng đến tháng ngày, đến xoay chuyển của nhân gian và đất trời.
Nhưng rồi một hôm, giữa một bữa tiệc, Antony nhận được tin rằng Pompey ở Rome đang có mưu đồ phản loạn chống lại Octavius Caesar và Lepidus, đồng thời Fulvia, người vợ thứ ba của Antony cũng đã mất. Antony thấy rằng ông cần phải quay về Rome gấp. Marc Antony trở về Rome, cùng Octavius và Lepidus giảng hòa với Pompey, chia sẻ quyền cai trị nên chiến tranh đã không xảy ra. Tuy nhiên, Antony đã chấp thuận cưới Octavia, chị gái của Octavius làm vợ tư để củng cố mối liên minh giữa Octavian và Marc Antony. Cleopatra khi nghe tin người tình lấy vợ, đã nổi cơn ghen điên cuồng. Nhưng khi được tin báo Octavia là người đơn giản và không gây ấn tượng, Cleopatra tin tưởng rằng Marc Antony sẽ sớm tìm cách quay trở lại với mình.
Buổi trưa hôm đó, Cleopatra đang nằm nghỉ ở tư phòng thì Marc Antony bước vào.
Nữ hoàng yêu quí của ta. Marc Antony nhẹ nhàng, âu yếm nói khi tiến lại gần bên giường của người tình.
Ngài có biết từ khi ngài bỏ ta về Rome ta đã phải uống cao khoai ma để quên đi thời gian? Cleopatra nói giọng dỗi hờn, vẫn chưa quay mặt lại về phía Antony.
Thôi nào, nàng thừa biết rằng ta quay về Rome là vì trách nhiệm.
Thế còn Octavia? Đừng nói với em bà ta cũng là trách nhiệm. Ôi…chưa có bao giờ một nữ vương như ta lại bị lừa dối như vậy! Liệu ta có phải là người cuối cùng trong cuộc đời tướng quân?
Octavia là cầu nối cho mối liên quân giữa ta và Octavian. Marc Antony kiên nhẫn giải thích.
Ta thật không thể tin lời ngài nữa.
Antony bước tới bên Cleopatra, đặt đôi bàn tay to lớn, thô ráp lên đôi bờ vai mềm mại của nữ hoàng, xoay đầu nàng lại, và đặt lên trên đôi môi người tình một nụ hôn đắm đuối mà nàng xứng đáng được hưởng. Cleopatra đáp lại nhiệt tình, như thể trút hết nỗi nhớ nhung, khao khát của nàng. Và họ làm tình với nhau, thôi thúc, mãnh liệt và đắm say.
Sau khi đã thỏa mãn thần ái tình, họ buông nhau ra.
Giờ là lúc bàn công chuyện, Cleopatra. Chúng ta sẽ tập hợp quân lính để chống lại Octavius Ceasar. Antony nói với giọng quyết tâm.
Tại sao?
Bởi vì ông ta đã hết sức coi thường ta khi ta không có mặt ở Rome. Và bởi vì ta tin rằng ông ta sẽ đem quân đánh chiếm Ai Cập trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thật sao? Chúng ta phải nhanh tay hành động thôi.
Phải, ngay sau lúc này. Hãy ra lệnh chỉ, nữ vương quyền uy của Ai Cập giàu có. Chúng ta sẽ đánh bại giấc mộng của Octavius.
Quả như lời Antony nói, không lâu sau đó, Octavius đem quân lính và thủy quân tới Ai Cập. Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngăn, Antony chọn giao tranh với Octavius trên biển, cho phép Cleopatra chỉ huy một con tàu dù Enobarbus, chỉ huy dưới trướng Antony ra sức phản đối. Lực lượng của Marc Antony đã để mất trận địa khi những chiến thuyền của Cleopatra chạy trốn và thuyền của Marc Antony tìm đường rút lui theo đó, những chiến thuyền còn lại đã không thể cầm cự.
Antony tuyệt vọng, chỉ trích Cleopatra đã đẩy ông vào thế nhục nhã nhưng sau đó nhanh chóng tha thứ cho nàng. Họ quyết định gửi một thư yêu cầu tới kẻ chinh phạt: đó là được chấp thuận sống ở Ai Cập, và Cleopatra yêu cầu rằng vương quốc của nàng sẽ được truyền lại cho những người kế thừa hợp pháp. Nhưng Octavius ngó lơ lời yêu cầu của Antony, trong khi hứa hẹn Cleopatra một buổi điều trần công bằng nếu nàng phản bội người tình của mình.
Enobarbus, hãy nói ta nghe, là lỗi tại ta hay tại Antony? Cleopatra tư vấn với Enobarbus, một tướng lĩnh sát cánh cùng Antony, sau thất bại thảm hại. Và nàng không thể chịu đựng được những lời cay nghiệt của Antony.
Là lỗi của Antony. Enobarbus lạnh lùng nói. Ông ta đã đặt dục vọng của mình lên trên lý trí. Nữ vương chạy thoát khỏi trận chiến, hoảng sợ, khi những con tàu khác đang gầm ghè nhau thì sao? Tại sao ông ta lại nối gót theo sau nữ vương? Với một nửa thế giới đang chống lại nửa kia, đấy không phải là lúc Antony, người đóng vai trò chủ chốt, để tình yêu phân tán ông ta. Tháo chạy sau những con tàu đang bỏ đi của nữ vương, để mặc thủy quân của ông ta đứng nhìn, thật là một nỗi xấu hổ to lớn cũng như kết quả thua cuộc vậy.
Sau khi nghe những lời Enobarbus nói, Cleopatra cho gọi người đưa tin tức của Caesar tới.
Hỡi người đưa tin, hãy nói với Caesar vĩ đại rằng ta hôn lên bàn tay chinh phạt của ngài. Nói với ngài ta sẵn sàng đặt vương miện của ta dưới chân ngài và quỳ trước ngài. Nói với Caesar rằng ta sẽ chấp thuận số phận mà ngài đã lựa chọn cho Ai Cập.
Sau một trận đối đầu với quân đội của Caesar trên chiến trường, Antony giành được một chiến thắng ngoài mong đợi. Khi biết được tin Enobarbus bỏ trốn sang doanh trại của Caesar, Antony than vãn vận rủi của mình, đã làm mất đi một tướng lĩnh tài ba. Ông gửi những tư trang của người tướng lĩnh ấy tới doanh trại của Octavius Caesar và trở về với Cleopatra để ăn mừng chiến thắng. Một ngày nữa đến mang đến một trận chiến mới, và một lần nữa Antony đối địch với Caesar trên biển. Cũng như lần trước, những chiến thuyền của quân Ai Cập chứng tỏ sự gian trá; chúng bỏ mặc trận đánh và bỏ mặc Antony trong đại bại.
Cleopatra, tại sao nàng lại phản bội ta. Ta thề sẽ chính tay ta kết liễu đời nàng. Antony tức giận gào thét trên con thuyền đang bốc cháy của mình.
Trong nỗi hoảng sợ rằng người tình sẽ trả thù, Cleopatra trốn trong lăng mộ của mình.
Mardian, hãy đi báo với ông ta rằng ta đã tự vẫn. Nói với ông ta rằng từ cuối cùng ta nói là Antony. Đi, Mardian, và quay trở lại báo ta biết ông ta phản ứng thế nào với cái chết của ta. Cleopatra sai người báo tin.
Lúc này, sau khi trở về từ biển cả của thất trận. Antony ngồi trong lán trại riêng, ruột gan rối bời, miên man trong ý nghĩ.
Đôi khi ta một đám mây trông như một con rồng. Đôi khi một đám mây trông như một con gấu hay một con sư tử, hay một lâu đài, hay một tảng đá đang trôi, một ngọn núi nhấp nhô. Hay nó trông tựa như một vách núi màu xanh với nhưng tán cây trên ấy rủ xuống mặt đất. Những hình ảnh đó đánh lừa thị giác của ta nhưng thật ra chúng chỉ là không khí. Ta chỉ nhìn thấy những ảo tưởng. Chúng chỉ là những cảnh quan xuất hiện khi mặt trời khuất bóng…Giờ đây ta dường như là Marc Antony nhưng có phải là chính bản thân ta trong hình hài này? Ta chiến đấu để bảo vệ Cleopatra, người ta tưởng đã có tình yêu của ta, và ngược lại. Thế nhưng, nữ vương ấy lại thỏa hiệp với Caesar để góp phần đánh bại ta. Ta vẫn còn lựa chọn là tự kết liễu đời mình.
Thế rồi, Antony, chìm trong tuyệt vọng và đau khổ, quyết định đi theo nữ hoàng của mình ở bên kia thế giới. Ông ra lệnh cho một trong những người hầu ám sát mình. Người hầu lại đâm chết chính anh ta. Antony quyết định tự rơi xuống chính thanh gươm của mình, nhưng vết thương chưa gây ra cái chết ngay lập tức. Ông được đưa đến lăng mộ của Cleopatra, nơi ông được đoàn tụ lần cuối với người tình của mình trong chốc lát.
Ôi, Antony, Antony, Antony! Giúp một tay, Charmian, lại giúp nào, giúp ta đặt ông ấy lên đây. Celopatra rối bời, thốt lời ra lệnh .
Hãy bình tĩnh! Không phải là lòng dũng cảm của Caesar đã chinh phục được Antony nhưng Antony đã chiến thắng chính mình. Antony nói trong hơi thở yếu ớt.
Ôi Antony, sự việc nên diễn ra như nó phải thế- chỉ có Antony mới chinh phục được Antony. Nhưng sao nó diễn ra mới khủng khiếp làm sao! Cleopatra nói trong hai hàng nước mắt.
Ta đang dần chết, Cleopatra, đang dần chết. Ta chỉ mong thần chết hãy khoan, cho đến khi ta đặt trên môi nàng nụ hôn cuối cùng trong hàng nghìn nụ hôn ta đã đặt lên môi nàng.
Người đàn ông cao quý nhất của cuộc đời em, chàng sẽ chết sao? Chàng không màng gì đến em sao? Làm sao em có thể ở lại thế giới tan thương này, mà không có chàng? Ôi, nhìn này, những cô gái. Điều tốt đẹp nhất của thế gian đã biến mất. Chúa công của em! Cleopatra nấc lên trong từng lời nói. Rồi đặt lên môi Antony một nụ hôn cuối trong vị mặn của nước mắt. Antony gục đầu sang một bên, trong vòng tay của Cleopatra.
Sau đó, Caesar bắt giữ Cleopatra làm tù nhân, lên kế hoạch mang nàng về Rome, tuyên bố vị thế của nàng là để củng cố sức mạnh của đế chế, nhưng Cleopatra phát hiện ra kế hoạch này và đã tự vẫn bằng nọc độc của rắn. Caesar đã cho chôn cất Cleopatra bên cạnh Antony.
2 replies to “Một thiên tình sử bi tráng giữa Cleopatra và Antony”