Mạo hiểm nơi mộ cổ Ai Cập (P.1)

Mạo hiểm nơi mộ cổ Ai Cập là một truyện ngắn được in trong tập Poirot điều tra của tác giả Agatha Christie, nữ văn sĩ được mệnh danh là bà hoàng truyện trinh thám.

tham tu Poirot 1

Tôi luôn đánh giá chuyến đi mạo hiểm đó thuộc hạng ly lỳ và kịch tính nhất trong tất cả các chuyến phiêu lưu mà tôi chia sẻ cùng với Poirot, một chuyến điều tra vào một loạt những cái chết kỳ lạ xảy ra sau khi ngôi mộ của nhà vua Men-her-Ra được phát hiện và khai quật.

Ngay sau sự kiện ngài Canarvon phát hiện ngôi mộ của Tut-ankh-Amen, ngài John Willard và ông Bleibner ở New York, khi đang tiếp tục theo đuổi những cuộc khai quật không xa thủ đô Cairo là mấy, trong vùng lân cận những kim tư tháp Gizeh, đã tình cờ phát hiện ra một loạt những hầm mộ. Sự phát hiện của họ đã thu hút sư quan tâm lớn nhất. Ngôi mộ có vẻ như là của vua Men-her-Ra, một trong những nhà vua ít biết đến thuộc triều đại thứ tám, khi vương quốc cổ đang trên đà suy sụp. Không có nhiều ghi chép về thời kỳ này, và những phát hiện được thuật lại đầy đủ trên các tờ báo.

Một sự kiện sớm xảy ra sau đó đã hết sức thu hút tâm trí của công chúng. Ngài John Willard đã đột ngột qua đời vì suy tim.

Các tờ báo giật gân lập tức nhân cơ hội này đã làm sống lại tất cả những câu chuyện mê tín cũ có liên quan đến vận rủi của những kho báu Ai Cập nào đó. Xác ướp không may mắn tại bảo tàng Anh quốc, cái xác cổ kính màu hạt dẻ, được lôi ra với niềm thích thú chưa từng thấy, đã bị bảo tàng âm thầm từ chối, thế nhưng lại đón nhận tất cả sự hâm mộ thường thấy.

Nửa tháng sau đó ông Bleibner chết vì nhiễm trùng máu cấp, và một vài ngày sau đó một cháu trai của ông đã tự bắn vào mình ở New York. “Lời nguyền của Men-her-Ra” là chủ đề bàn tán trong ngày, và sức mạnh ma thuật của Ai Cập cổ đại lụi tàn từ lâu được tán tụng lên mức tôn sùng.

Đó là khi Poirot nhận được một lời nhắn vắn tắt từ phu nhân Willard, bà góa của nhà khảo cổ học quá cố, yêu cầu ông đến gặp bà tại nhà ở Kensington Square. Tôi đi cùng ông ấy.

Phu nhân Willard là một phụ nữ mảnh mai, cao, trong bộ đồ tang. Khuôn mặt phờ phạc của bà là minh chứng hùng hồn cho nỗi đau khổ gần đây.

“Ông thật tử tế khi đến đây nhanh chóng như vậy, ông Poirot.”

“Tôi xin được phục vụ bà, thưa phu nhân Wilard. Bà muốn thảo luận với tôi?”

“Tôi biết ông là một thám tử, nhưng tôi muốn thảo luận với ông không chỉ với tư cách là một thám tử. Ông là một người có những ý kiến khác người, tôi biết, ông có trí tưởng tượng, kinh nghiệm trải đời, hãy nói tôi biết, ông Poirot, ông nghĩ thế nào về siêu nhiên?”

Poirot do dự một lúc trước khi trả lời. Dường như ông ấy đang cân nhắc. Cuối cùng ông nói:

“Chúng ta hãy đừng hiểu lầm nhau, thưa phu nhân Willard. Đây không phải là một câu hỏi chung chung mà bà hỏi tôi. Nó có áp đặt đến cá nhân, đúng thế không? Bà đang ám chỉ gián tiếp đến cái chết của chồng bà? “

“Quả thực vậy,” bà ta thú nhận.

“Bà muốn tôi điều tra những sư việc quanh cái chết của ông ấy?”

“Tôi muốn ông tìm hiểu chắc chắn cho tôi báo chí đã luyên thuyên bao nhiêu, và liệu có thể quả quyết bao nhiêu dựa trên thực tế? Ba cái chết, ông Poirot–mỗi cái chết có thể giải thích được nếu tính riêng lẻ, nhưng gộp cả ba lại thì chắc chắn là sự trùng khớp ngẫu nhiên hầu như không thể tin được, và cả ba diễn ra trong vòng một tháng khai quật ngôi mộ đó! Có thể chỉ là sự mê tín, nó có thể là lời nguyền linh ứng từ quá khứ hiệu nghiệm theo cách mà khoa học hiện đại không mơ tới. Sự thật vẫn còn đó–ba cái chết! Và tôi sợ rằng, ông Poirot, rất kinh sợ. Đó chưa phải là kết thúc.”

“Bà lo sợ cho ai kia?”

“Cho con trai tôi. Khi tin về cái chết của chồng tôi đến tôi đang mắc bệnh. Con trai tôi, vừa mới từ Oxford trở về, đã ra tận ngoài đó. Con trai tôi đã mang cái…cái xác về nhà, nhưng giờ thằng bé lại trở ra đó nữa, mặc cho những lời van xin và khẩn cầu của tôi. Thằng bé rất hứng thú với công việc đến nỗi có ý định thế chỗ của cha mình và tiếp tục thực hiện phương pháp khai quật đó. Ông có thể nghĩ tôi khờ khạo, cả tin, nhưng, thưa ông Poirot, tôi lo sợ. Giả sử linh hồn của vị vua đã khuất chưa an nghỉ? Có lẽ ông nghĩ tôi chỉ nói những điều vô lý–“

“Không, thực tình thì, thưa phu nhân Willard,” Poirot nhanh nhảu nói. “Tôi, cũng tin vào quyền năng của mê tín, một trong những quyền năng mạnh mẽ nhất mà thế giới từng biết.”

canh trong phim 1
cảnh khai quật trong phim cùng tên năm 1993

Tôi nhìn ông ấy trong kinh ngạc. Tôi không bao giờ tin rằng Poirot lại mê tín. Nhưng người đàn ông bé nhỏ đó rõ ràng không nói dối.

“Những gì bà thực sự yêu cầu là tôi sẽ bảo vệ con trai bà? Tôi sẽ làm hết mọi khả năng của mình để tránh cho cậu nhà khỏi phương hại.”

“Đúng thế, theo cách thông thường, nhưng chống đối lại một sức ảnh hưởng huyền bí?”

“Trong những tác phẩm ở thời kỳ Trung cổ, phu nhân Willard, bà sẽ tìm thấy rất nhiều cách tiếp cận ma thuật đen. Có lẽ họ biết nhiều hơn những gì mà con người hiện đại chúng ta khoe khoang về khoa học. Bây giờ chúng ta hãy quay lại những sự kiện, để tôi có thể có manh mối. Ông nhà luôn luôn là một nhà Ai Cập học hết mình, đúng thế không thưa bà?”

“Đúng thế, từ lúc ông ấy còn trẻ. Ông ấy là một trong những chuyên gia vĩ đại nhất lúc còn sống về ngành đó.”

“Nhưng Ông Bleibner, theo tôi hiểu, lại là một người ít nhiều không phải chuyên gia?”

“Ồ, quả đúng. Ông ấy là một người giàu có học đòi bất cứ lĩnh vực gì mà ông ấy bỗng nhiên thấy thích. Chồng tôi đã thuyết phục ông ấy quan tâm tới Ai Cập học, và chính tiền của ông ấy đã giúp rất nhiều cho việc khai quật.”

“Còn người cháu trai? Bà biết gì về những sở thích của cậu ấy? Cậu ấy có tham gia vào nhóm khai quật không?

“Tôi không nghĩ thế. Thực sự tôi chưa bao giờ nghe nói về cậu ấy cho đến khi tôi đọc được tin trên báo, tôi không nghĩ rằng giữa cậu ấy và ông Bleibner có mối quan hệ thân thiết nào. Ông ấy chưa bao giờ nói về bất cứ mối quan hệ nào.”

“Những thành viên khác trong nhóm là những ai?”

“Chà, có tiến sĩ Tosswill, một viên chức nhỏ có liên quan tới Bảo tàng Anh quốc; ông Schneider ở bảo tàng Metropolitan ở New York; một thư ký trẻ người Mỹ; bác sĩ Ames, người tháp tùng đoàn thám hiểm bằng khả năng chuyên môn của anh ấy; và Hassan, người hầu tốt bụng tận tụy của chồng tôi.”

“Bà còn nhớ tên của thư ký người Mỹ?”

“Harper, tôi nghĩ thế, nhưng tôi không chắc lắm. Anh ta không đi cùng với ông Bleibner đã lâu. Anh ta là một chàng trai trẻ rất vui tính.”

“Cảm ơn bà, phu nhân Willard.”

“Nếu còn điều gì…?”

“Hiện tại, không có gì. Hãy để tôi thu xếp việc này, và xin hãy tin tưởng rằng tôi sẽ làm hết khả năng mà con người có thể để bảo vệ con trai bà.”

Chúng không hẳn là những lời làm yên lòng, khi tôi quan sát phu nhân Willard co rúm lại khi ông ấy thốt ra chúng. Nhưng, đồng thời, sự thực là ông ấy đã xem thường những nỗi sợ hãi của bà dường như chính chúng mới là nỗi an ủi đối với bà.

Về phần mình tôi chưa bao giờ nghi ngờ Poirot lại có xu hướng mê tín sâu thẳm trong bản chất con người ông ấy. Tôi gạn hỏi ông về vấn đề đó khi chúng tôi trên đường về nhà. Thái độ của ông nghiêm túc và thành thực.

“Nhưng phải đấy, Hastings. Tôi tin vào những điều đó. Anh đừng nên đánh giá thấp quyền năng của mê tín.”

“Chúng ta sẽ giải quyết chuyện này thế nào?”

“Luôn luôn hành động, Hastings thân mến! Chà, chúng ta sẽ bắt đầu với việc điện tín sang New York để biết chi tiết đầy đủ hơn về cái chết của cậu Bleibner trẻ tuổi.”

Ông ấy gửi điện tín của mình đi đúng lúc. Câu trả lời đầy đủ và chính xác. Cậu Rupert Bleibner đã biệt tích khoảng vài năm. Cậu ấy từng ở Thái Bình Dương và là một người sống bằng tiền trợ cấp từ nhà ở một vài hòn đảo Biển Nam, nhưng đã trở về New York hai năm trước đây, nơi cậu ấy nhanh chóng lâm cảnh nợ nần. Điều quan trọng nhất, theo tôi nghĩ, là gần đây cậu ấy đã xoay xở mượn đủ tiền để mang thân sang Ai Cập.”Tôi có bạn tốt ở đó mà tôi có thể hỏi mượn tiền,” cậu ấy tuyên bố. Tuy nhiên, ở đây, các kế hoạch của cậu ấy đã không diễn ra như mong đợi. Cậu ấy đã trở lại New York nguyền rủa ông chú keo kiệt người quan tâm đến xương của người chết và các nhà vua quá cố hơn là máu mủ ruột thịt của mình. Trong thời gian ngắn ngủi cậu sống tại Ai Cập thì cái chết của ngài John Willard xảy ra. Rupert đã chìm đắm hơn vào cuộc sống phung phí của mình ở New York trước đó, và sau đó, không lời cảnh báo, cậu ấy tự vẫn, để lại một lá thư có những cụm từ khó hiểu. Nó dường như được viết trong cơn ân hận đột ngột. Cậu ấy ám chỉ mình như một kẻ bị bệnh hủi và bị xã hội ruồng bỏ, và lá thư kết thúc bằng việc tuyên bố rằng đại thể như cậu ấy nên chết đi thì hơn.

Một lý luận mờ ảo luồn vào tâm trí tôi. Tôi chưa bao giờ thực sự tin vào sự trả thù của một nhà vua Ai Cập đã chết từ lâu. Tôi thấy ở đây một tội ác hiện đại hơn. Giả sử chàng trai trẻ đó quyết định ra tay với chú mình–tốt hơn bằng thuốc độc. Do nhầm lẫn, ngài John Willard uống liều thuốc nguy hiểm. Chàng trai trẻ trở về New York, ám ảnh bởi cái chết của chú mình. Tin tức về cái chết của chú mình đến tai chàng trai. Cậu ấy nhận ra rằng tội ác của mình quả thực vô ích ra sao, và bị dày vò bởi những hối hận đã tự kết liễu đời mình.

Tôi phác thảo nét chính lời giải của mình cho Poirot. Ông ấy chú ý lắng nghe.

“Anh thật mưu trí khi anh nghĩ ra điều đó–nhất định là mưu trí. Thậm chí có thể là đúng nữa. Nhưng anh đã bỏ sót không tính đến sức ảnh hưởng nguy hiểm của ngôi mộ.”

Tôi nhún vai của mình.

“Anh vẫn nghĩ là nó có liên quan đến ngôi mộ?”

“Rất rất nhiều đấy, bạn của tôi, đến nỗi chúng ta khởi hành đi Ai Cập ngày mai.”

“Gì kia?” tôi thốt lên, kinh ngạc.

“Tôi đã nói rồi đấy.” Một biểu cảm của chủ nghĩa anh hùng thấy rõ hiện lên trên khuôn mặt của Poirot. Rồi ông ấy kêu lên. “Nhưng, ôi” ông ấy than vãn, “biển! biển thật đáng ghét!”

nhung buc ve tren ngoi mo co co nien dai 4000 nam o Ai Cap
những bức vẽ trên ngôi mộ cổ có niên đại 4000 năm ở Ai Cập

Đọc truyện bằng tiếng Anh tại đây: https://www.gutenberg.org/files/61262/61262-h/61262-h.htm#CH5

https://www.youtube.com/watch?v=42ZN8sWOwNg

2 replies to “Mạo hiểm nơi mộ cổ Ai Cập (P.1)”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *